Liệu sản xuất cà phê bền vững có giúp cân bằng về môi trường và kinh tế?

Sản xuất cà phê bền vững là canh tác cà phê bằng các phương pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội và kinh tế.

Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích cho người nông dân, mà còn góp phần vào việc thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu, qua việc tiết kiệm nước, giảm phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, tăng cường cây che bóng và cây trồng thâm canh. Theo Cộng đồng cà phê quốc tế, sản xuất cà phê bền vững cần tuân theo các tiêu chí và quy trình được chứng nhận hoặc kiểm tra bởi các tổ chức uy tín, đảm bảo tính minh bạch và đáng tin cậy. Những hoạt động của các bên liên quan từ nhà sản xuất, thương nhân đến nhà cung ứng cần:

– Đặt trọng tâm vào việc bảo vệ môi trường và giữ gìn các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

– Đem lại giá trị, mức lợi nhuận xứng đáng cho công sức của tất cả chuỗi ứng đồng thời có thặng dư cho việc đầu tư và phát triển.

– Đảm bảo môi trường làm việc phù hợp, sinh kế ổn định cho người lao động và cộng đồng, xã hội.

Việc sản xuất cà phê bền vững bắt đầu từ việc ưu tiên sử dụng các giống cây cà phê phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai của từng vùng, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi với thời tiết tốt hơn. Cà phê cũng được trồng xen canh với các loại cây khác như cây ăn quả, cây rừng hoặc cây lương thực. Cây cà phê xen canh có thể tận dụng được nguồn nước và dinh dưỡng từ các loại cây khác. Điều này giúp giảm lượng phân bón và thuốc trừ sâu cần sử dụng, tăng mật độ che phủ của rừng từ đó giảm lượng khí carbon thải ra. Bên cạnh đó, các phương pháp thu hoạch và chế biến cà phê truyền thống thường sử dụng nhiều năng lượng từ các nguồn không tái tạo như than, dầu hoặc gas để sấy khô hạt cà phê. Điều này gây ra lượng khí carbon thải ra rất lớn. Vì thế Các nhà sản xuất cà phê bền vững đã chuyển qua sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió hoặc sinh khối để sấy khô hạt cà phê để giảm phát khí thải và tiết kiệm năng lượng.